Triển khai Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học tại cấp tỉnh: Nền tảng quan trọng cho các mục tiêu quốc gia

Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050 là văn bản định hướng quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Với mong muốn chiến lược được triển khai, thực hiện hiệu quả tại cấp tỉnh, hôm nay, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo “Góp ý hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học tại cấp tỉnh”.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phát biểu khai mạc hội thảo

Chủ trì hội thảo là Tiến sĩ Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng sự tham gia của đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các tổ chức bảo tồn như tổ chức GIZ, UNDP, WWF Việt Nam, IUCN và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn

Tại hội thảo, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã giới thiệu tổng quát về Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2023, tấm nhìn đến năm 2050 và các điểm mới của Chiến lược. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã lắng nghe và góp ý Dự thảo Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học tại cấp tỉnh đồng thời nhấn mạnh cách thức thực hiện những điểm mới của Chiến lược. Song song với việc xây dựng Kế hoạch hành động, xác định nhu cầu, phân bổ nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động là rất quan trọng.

Đánh giá nhu cầu tài chính cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2023, tấm nhìn đến năm 2050 đã miêu tả chi tiết tình trạng bảo tồn hiện nay cũng như dự đoán những vấn đề cốt lõi, cần có sự đầu tư toàn diện, nghiêm túc về nhân lực, vật lực để có thể nâng cao hiệu quả của việc triển khai Chiến lược.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp xoay quanh kế hoạch thực hiện Chiến lược tại cấp tỉnh và nhu cầu tài chính cho việc thực hiện Chiến lược. Hầu hết các đại biểu đều hoan nghênh việc triển khai Chiến lược tại cấp tỉnh vì địa phương là nơi trực tiếp quản lý các khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao cũng như nhiều điểm nóng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Do đó, việc nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng kế hoạch và nhu cầu tài chính là cần thiết để đảm bảo các địa phương có đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này.

Cuối cùng, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn hoan nghênh các ý kiến đóng góp và đề nghị các chuyên gia tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hướng dẫn để tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia và có thể đưa vào áp dụng trong thời gian sớm nhất.